Hằng năm, cứ mỗi dịp tháng 3 về là Phụ nữ trên thế giới lại được toàn nhân loại tôn vinh. Nhân dịp kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 – 8/3/2022), chúng ta hãy cùng nhau ôn lại lịch sử để hiểu thêm về một ngày đầy ý nghĩa này.

Lịch sử ngày 8-3 bắt đầu từ phong trào của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỳ XIX. Ngày 8/3/1857, các công nhân ngành dệt đứng dậy chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại thành phố New York. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Hoa Kỳ trong hãng dệt thành lập công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi. Khoảng 50 năm sau, ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Sau đó, Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28/2/1909.

Lịch sử ngày 8/3 bắt đầu từ phong trào của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ.

Tuy nhiên, đến ngày 8/3/1910, tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ 2 (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch Hội nghị là bà Clara Zetkin, phụ nữ Đức, đã đề nghị chọn một ngày Quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.
Từ đó, ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ trên toàn thế giới. Ở nước ta, vào ngày 8/3 còn là dịp kỉ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai vị nữ Trưng Trắc và Trưng Nhị anh hùng đầu tiên của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc giành lại chủ quyền dân tộc.
Kế thừa tinh thần của Phụ nữ Quốc tế và khí phách Bà Trưng – Bà Triệu, từ xưa đến nay Phụ nữ Việt Nam đã phát huy tốt truyền thống dân tộc, bản lĩnh của mình trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong thời chiến cũng như thời bình. Lịch sử sẽ mãi mãi khắc ghi những con người đã làm nên huyền thoại tạo nên dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ. Lịch sử không ai quên được hình ảnh hiên ngang, bất khuất của chị Võ Thị Sáu trên pháp trường xử bắn, trước cái chết chị vẫn lạc quan, mỉm cười nhẹ nhàng cài lên mái tóc thề chùm hoa của quê hương. Đó là hình ảnh của chị Út Tịch với câu nói nổi tiếng “ Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” “ Đánh đến cái lai quần cũng đánh”, là hình ảnh người con gái Việt Nam Nguyễn Thị Lý; Nữ tướng Nguyễn Thị Định cùng với đội quân tóc dài đã bao phen làm kẻ thù ăn không ngon, ngủ không yên, kinh hồn bạt vía…

Trong thời bình, người phụ nữ càng thể hiện rõ vai trò của mình, họ không chỉ giữ nhiều cương vị, trọng trách của đất nước như bà Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Doan, bà Trương Thị Hoa, hay gần đây nhất là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Đặng Thị Ngọc Thịnh.., họ còn là hậu phương vững chắc, là những người giữ “lửa” trong mỗi gia đình, là những người quản lý giỏi, chủ doanh nghiệp thành đạt, được Nhà nước tặng thưởng những danh hiệu cao quý, được xã hội tôn vinh là những Bông hồng vàng. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, khi nói về phụ nữ đã dành tặng những tình cảm quý “Non sông gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Bản lĩnh đó của người phụ nữ Việt Nam có cội nguồn từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc và khí phách của ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 cách đây 112 năm về trước.
Vào dịp tháng 3, trên các phương tiện thông tin đại chúng như Tivi, bài báo, zalo, facebook lại tràn ngập những lời chúc mừng đầy yêu thương dành cho chị em phụ nữ. Nhiều cuộc thi được tổ chức ở các cấp để chị em được thể hiện tài năng, năng khiếu cũng như vẻ đẹp duyên dáng của mình. Ở trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang hiện nay có 98/148 là nữ, tỉ lệ chiếm 66,2% toàn Trường. Trong đó có rất nhiều chị em phụ nữ giữ vị trí, vai trò quan trọng trong bộ máy Nhà trường như cô Phương Lan, cô Ngô Yến hay các cô Ngô Hường, Ngô Hương, Thủy Lan, Mai Huyền, Tuyết Nga, Bích Thủy, Trần Len, Thùy Anh… Chị em Nhà trường đã và đang tích cực cống hiến sức trẻ, lòng nhiệt tình, đam mê với nghề. Họ luôn sắp xếp công việc chung và việc riêng hợp lí để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời còn tích cực hưởng ứng tham gia cuộc thi do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, đó là cuộc thi “Duyên dáng áo dài nữ đoàn viên, công chức, viên chức, lao động” năm 2022 chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2022.

Bản thân là một phụ nữ, tôi luôn thấy vinh dự, tự hào và ý thức được vai trò của mình trong cuộc sống. Nhân dịp 8/3/2022, xin kính chúc các bà, các mẹ, các chị em trên toàn thế giới sức khỏe, bình an, hạnh phúc và thành công hơn nữa trong cuộc sống!

Bài viết: ThS. Đoàn Thị Thu Hằng- Phòng TC-HC