Sáng ngày 18/3 tại trường Cao đẳng Ngô Gia Tự đã diễn ra chương trình giao lưu với diễn giả, nhà báo Phan Đăng với chủ đề “Nghề hay Tiền – Định Hướng nghề nghiệp, việc làm” và trải nghiệm “Một ngày làm sinh viên trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang”. Chương trình đã thu hút hàng trăm học sinh, sinh viên tham gia với rất nhiều nội dung ý nghĩa, hấp dẫn.

     Tham dự chương trình có đồng chí Giáp Xuân Cảnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh; Tiến sĩ Nguyễn Duy Kiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sông Thương; Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Quỳnh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cùng các thầy cô trong Ban Giám hiệu, đại diện lãnh đạo các đơn vị, các viên chức, giảng viên và học sinh sinh viên trong nhà trường;

     Tới dự chương trình còn có đại diện lãnh đạo Đoàn Thanh niên, học sinh lớp 12 các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang: THPT Tân Yên 2; THPT Việt Yên 2; THPT Nhã Nam; THPT Lý Thường Kiệt; THPT Lục Ngạn 3; có các đồng chí phóng viên, biên tập viên  Đài PTTH tỉnh Bắc Giang, Báo Bắc Giang cũng về dự và đưa tin cho chương trình.

     Đặc biệt là sự hiện diện của Nhà báo, diễn giả, tác giả Phan Đăng cùng đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng và Dự án “Sách nhà mình” tham dự.

     Chương trình đã tạo cầu nối cho học sinh, sinh viên được nghe tác giả, diễn giả Phan Đăng chia sẻ, định hướng nghề nghiệp cho HSSV; tìm hiểu thị trường, nhu cầu lao động và các cơ hội việc làm phù hợp với năng lực, chuyên ngành của sinh viên.

     Giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận, chia sẻ thông tin, quan điểm chọn trường, định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm phù hợp, đáp ứng yêu cầu lao động trong bối cảnh hiện nay. Giúp các em học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận thông tin, được nghe tư vấn nghề nghiệp, định hướng chọn trường, chọn nghề và việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Tại đây, các em còn được tham gia “Trải nghiệm một ngày làm sinh viên trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang”.

     Giao lưu “Ngày hội đọc sách” cùng tác giả, diễn giả Phan Đăng với chủ đề: Nghề hay Tiền – Định hướng nghề nghiệp, việc làm” với sự phát triển AI – trí tuệ nhận tạo tới các ngành nghề trong xã hội. Góp phần đẩy mạnh, lan tỏa văn hóa đọc đến với viên chức giảng viên, học sinh, sinh viên trường và cộng đồng; chia sẻ quan điểm đối mặt hay song hành với chát GPT.

     Trước thềm của chương trình, dự án “Sách nhà mình” cũng tổ chức chương trình dự đoán diễn giả trong chuyên mục “Ai là ai” cập nhật hàng ngày trên Fanpage của trường;

     Trong chương trình giao lưu, đại biểu và khách mời cũng như học sinh sinh viên được nghe diễn giả, nhà báo Phan Đăng chia sẻ rất nhiều nội dung ý nghĩa, hấp dẫn và mới lạ như:

     – Bàn cân: bỏ tiền học nghề – đi làm; đi làm kiếm tiền; nghiêng bên nào?; đi làm – kiếm tiền – đi học – đi làm: tại sao khó?;

     – Những tấm gương đi lên từ nghề; vị thế xã hội giữa đại học – học nghề; tác động của AI tới các ngành nghề trong xã hội;

     – Học nghề có cần đam mê? Học như thế nào để hiệu quả?; Vị thế trường nghề xưa – nay – đối diện với AI – trí tuệ nhân tạo…

     Chương trình cũng lan tỏa văn hóa đọc thông qua dự án “Sách nhà mình” với hai cuốn sách tiêu biểu: “39 cuộc đối thoại cho người trẻ”; “39 câu hỏi cho người trẻ” của tác giả, nhà báo Phan Đăng và trưng bày những cuốn sách hay từ thư viện của trường Cao đẳng Ngô Gia Tự.

     Nhiều câu hỏi của các bạn học sinh, sinh viên được đặt ra cho nhà báo Phan Đăng và nhận được những lời giải đáp vô cùng sâu sắc, trí tuệ. Trong đó có câu hỏi xoay quanh việc tác động của AI đối với những ngành, nghề mà Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự đang đào tạo. Trả lời cho câu hỏi này nhà báo, diễn giả Phan Đăng nhấn mạnh “AI có thể làm được một số công việc mà các thầy cô giáo, thầy thuốc làm nhưng không thể thay thế được các thầy cô và các thầy thuốc bởi lẽ AI không thể mang cảm xúc yêu thương chân thành của một cô giáo với các em thiếu nhi, AI càng không thể có cảm xúc yêu thương và thấu hiểu nỗi đau của một bệnh nhân để đồng cảm trong điều trị như một thầy thuốc mà nghề thầy thuốc và thầy giáo đều làm việc trực tiếp với con người, đòi hỏi cần có sự yêu thương, thấu hiểu, đồng cảm,…”

     Với những nội dung hấp dẫn và ý nghĩa, hơn 600 đại biểu, khách mời và HSSV đã có được những trải nghiệm thú vị, những cảm xúc lắng đọng khi nghe diễn giả Phan Đăng chia sẻ, tâm tình. Đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên, những người trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa của sự nghiệp trong thời buổi xã hội có rất nhiều những biến động và công nghệ thông tin phát triển ngày càng mạnh mẽ như hiện nay.

Một số hình ảnh trong chương trình

Ban Công nghệ thông tin